News Scsc12
PHÁT BIỂU KHAI MẠC HỘI THẢO QUỐC TẾ BIỂN ĐÔNG LẦN THỨ 12 CỦA TS. PHẠM LAN DUNG, QUYỀN GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN NGOẠI GIAO.

PHÁT BIỂU KHAI MẠC HỘI THẢO QUỐC TẾ BIỂN ĐÔNG LẦN THỨ 12 CỦA TS. PHẠM LAN DUNG, QUYỀN GIÁM ĐỐC HỌC VIỆN NGOẠI GIAO.

Phát biểu khai mạc Hội thảo quốc tế Biển Đông lần thứ 12

TS. Phạm Lan Dung, Quyền Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam

(Hà Nội, ngày 16/11/2020)

      Kính thưa ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam,

      Kính thưa các Quý Ông/ Quý Bà Đại sứ, đại diện Đoàn Ngoại giao,

      Kính thưa các Quý vị đại biểu và khách quý,

Tôi rất vui nhiệt liệt chào mừng Quý vị tham dự Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì hoà bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” do Học viện Ngoại giao phối hợp với Hội Luật gia Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông tổ chức. Tôi đặc biệt chào mừng các bạn ở khắp nơi đang tham dự Hội thảo năm nay lần đầu tiên theo hình thức trực tuyến. Tôi rất tiếc đại dịch Covid-19 đã không cho phép chúng ta có cơ hội gặp mặt trực tiếp như mọi năm.

      Kính thưa các Quý vị,

1. Đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đã và đang làm thay đổi một cách mạnh mẽ và nhanh chóng cách thức thế giới vận hành. Chúng ta đã và đang phải học cách làm quen và chủ động thích nghi với những “bình thường mới”. Nền kinh tế thế giới tiếp tục suy thoái và chưa có dấu hiệu phục hồi. Trong bối cảnh khó khăn về kinh tế và đại dịch Covid-19, chủ nghĩa dân tộc vị kỷ càng có đất phát triển. Dư luận xã hội tại nhiều quốc gia xuất hiện tâm lý bài ngoại, co cụm và phần nào mất lòng tin vào các tổ chức quốc tế liên chính phủ.

Cạnh tranh địa chính trị đang gia tăng phức tạp trên phạm vi toàn cầu. Đáng lo ngại là xu hướng quân sự hóa, đối đầu, gia tăng căng thẳng vẫn đang tiếp tục, việc đe dọa hoặc sử dụng sức mạnh bất đối xứng giải quyết tranh chấp có xu hướng gia tăng. Hiệu lực của hệ thống luật pháp quốc tế bị đe dọa bởi việc tự ý diễn giải và áp dụng luật pháp có lợi cho mình. Bảo vệ môi trường biển, chống biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ trật tự pháp lý trên biển và an ninh biển nói chung cho các quốc gia và cộng đồng dân cư ven biển đang là các vấn đề chung, đòi hỏi các giải pháp chung của cộng đồng quốc tế.

2. Tuy nhiên, trong tình hình rối ren và biến động đó, tình hình Biển Đông năm 2020 cũng ghi nhận các điểm sáng.

    Thứ nhất, nhiều quốc gia ven Biển Đông đã bày tỏ, làm rõ lập trường pháp lý ở Biển Đông thông qua hàng loạt công hàm được trao đổi tại Liên Hợp Quốc. Việc lưu hành công hàm với những nội dung mang đậm ngôn ngữ và hàm ý pháp lý cho thấy các quốc gia ngày càng đề cao vai trò và giá trị của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Luật Biển 1982 (UNCLOS). Qua đó, khẳng định “tính chất phổ quát và nhất quán của UNCLOS đã thiết lập khuôn khổ pháp lý trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương được thực hiện”. Đây chính là các hành động thể hiện tinh thần “thượng tôn pháp luật” mà cộng đồng quốc tế mong muốn.

    Thứ hai, ASEAN tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm, gắn kết khu vực trong gian nan, thách thức, đúng với khẩu hiệu của năm ASEAN 2020 “gắn kết và chủ động thích ứng”. Mặc dù cũng chịu tác động mạnh bởi Covid-19, ASEAN tiếp tục duy trì được các hoạt động đối thoại và hợp tác trong và ngoài khu vực trong suốt cả năm, kể cả về vấn đề Biển Đông, góp phần duy trì lòng tin, giảm bớt căng thẳng và phòng ngừa xung đột. Riêng trong 3 ngày qua đã có hơn 20 Hội nghị Cấp cao và 80 văn kiện được thông qua, kỹ kết với nội dung ngày càng thực chất, rõ nét và kịp thời về vấn đề Biển Đông.

    Thứ ba, Biển Đông tiếp tục thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Nhiều nước bên ngoài khu vực đã thể hiện sự quan tâm, mong muốn đóng góp xây dựng, tích cực cho hoà bình và thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, đã khẳng định tầm quan trọng của Biển Đông trong duy trì thương mại toàn cầu thông suốt và liên tục, tự do hàng hải, tự do bay không bị cản trở. Nhiều nước tái khẳng định tầm quan trọng của việc thực hiện đầy đủ và diễn giải đúng đắn các điều khoản của UNCLOS, để bảo vệ tính toàn vẹn của Công ước.

     Kính thưa các Quý vị,

3. Chúng tôi cho rằng, càng trong rối ren và biến động, nhu cầu hoà bình, đối thoại và hợp tác của cộng đồng quốc tế vượt qua khó khăn càng tăng cao. Chính vì lý do đó, Hội thảo Biển Đông năm nay có chủ đề là “Duy trì hoà bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động”.

Trong hơn một thập kỷ vừa qua, Hội thảo Biển Đông đã và đang được biết đến như một sự kiện học thuật uy tín và được mong đợi trong giới học giả về chủ đề Biển Đông. Hội thảo đã quy tụ được các chuyên gia hàng đầu của khu vực và thế giới để thảo luận về các vấn đề an ninh biển, luật biển, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường biển. Sau hơn 10 năm tổ chức, Hội thảo đã thu hút hơn 500 tham luận và 2.000 đại biểu tham dự, đã góp phần nâng cao hiểu biết và nhận thức của khu vực và quốc tế về các khía cạnh khác nhau của vấn đề Biển Đông như lịch sử, chính trị, kinh tế, pháp lý, văn hóa, môi trường v.v. góp phần thiết thực cho việc hoạch định chính sách nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thúc đẩy hợp tác tại Biển Đông và hợp tác khu vực nói chung.

4. Đứng trước những thành tựu và truyền thống đó của chuỗi hội thảo, chúng tôi luôn tự hỏi, Hội thảo Biển Đông cần tự đổi mới ra sao để có thể đóng góp tốt hơn cho việc giải quyết, tháo gỡ các khó khăn, thách thức mới trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay?

Hội thảo Biển Đông lần thứ 12 năm nay sẽ có một số điểm mới đáng chú ý sau so với các năm trước.

     Thứ nhất, Hội thảo lần đầu tiên được tổ chức kết hợp trực tiếp và trực tuyến để phù hợp với bối cảnh hạn chế đi lại quốc tế. Cách làm này đã giúp chúng tôi mời được số lượng kỷ lục các diễn giả và phản biện tham gia Hội thảo

     Thứ hai, chúng tôi đã nỗ lực để các phiên thảo luận bám sát thực tiễn hơn, thảo luận các chủ đề cấp bách hơn với sự tham gia sâu rộng hơn của giới hoạch định và thực thi chính sách. Hội thảo Biển Đông 12 sẽ tiếp tục đóng vai trò cầu nối tốt hơn giữa kênh chính thức (Kênh I) và kênh bán chính thức (Kênh II) nhằm góp phần tạo ra những chuyển biến thực chất, đóng góp cho hòa bình, hợp tác ở Biển Đông.

    Thứ ba, chúng tôi nỗ lực mời các thành phần mới tham gia vào Hội thảo, những thành phần mà chúng tôi cho rằng ý kiến có ý nghĩa quan trọng đối với tình hình Biển Đông. Lần đầu tiên chúng tôi đã mời một số nhà báo quốc tế tham gia Hội thảo với tư cách người trong cuộc, chứ không phải người đưa tin về Hội thảo. Đó là do chúng tôi nhận thấy vai trò và tiếng nói của các nhà báo có ảnh hưởng lớn đến tình hình Biển Đông. Hội thảo năm nay cũng lần đầu tiên dành một phiên đặc biệt cho Lãnh đạo trẻ. Sự tham gia của các Lãnh đạo trẻ là cần thiết nhằm tạo dựng một thế hệ trẻ mới hiểu biết về các vấn đề khu vực, nhạy bén về lợi ích của các bên, đồng thời cung cấp thêm các ý tưởng mới để duy trì hoà bình, ổn định và hợp tác khu vực không chỉ trong thế hệ hiện tại mà trong nhiều thế hệ tiếp theo.

      Để kết thúc, tôi xin một lần nữa cảm ơn các Quý vị Đại sứ, Đại diện Đoàn Ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các đại biểu đã đăng ký tham dự Hội nghị; xin chân trọng cảm ơn 350 khách đã đăng ký tham dự trực tuyến cùng chúng tôi; xin chân trọng cảm ơn Đai diện các nhà báo giới trong và ngoài nước đã có mặt để đưa tin về Hội thảo.

       Cuối cùng, chúng tôi muốn nhấn mạnh rằng, để tổ chức được Hội thảo ngày hôm nay, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ rất nhiều đối tác  và bạn bè trong nước và quốc tế. Chúng tôi rất vui mừng và xin trân trọng cám ơn sự hỗ trợ quý báu của Quỹ KAS, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, ĐSQ Úc, ĐSQ Anh, ĐSQ Canada, Phái đoàn EU, ĐSQ Đức, Quỹ Châu Á-New Zealand, ĐSQ Pháp… Sự đồng hành và ủng hộ cả về mặt tinh thần và vật chất của các bạn là nguồn động viên vô cùng to lớn với Ban tổ chức và là đóng góp quan trọng cho sự thành công của Hội thảo.

     Kính thưa các Quý vị,

Một lần nữa, tôi xin được nhiệt liệt chào mừng tất cả các Quý vị đại biểu, các vị khách quý và kính chúc Hội nghị có nhiều trao đổi thú vị, sâu sắc trong hai ngày tới.

Xin chúc sức khoẻ các quý vị đại biểu

Chúc Hội thảo thành công tốt đẹp

Xin trân trọng cảm ơn!